Tin tức

Hội Cấp Thoát nước Việt Nam làm việc với Cục Thủy lợi - Bộ NN&PTNT

PV

Chiều 28/5/2024, tại Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Hội Cấp Thoát nước Việt Nam (VWSA) đã có buổi làm việc với Cục Thủy lợi - Bộ NN&PTNT về việc thúc đẩy mối quan hệ phối hợp giữa hai đơn vị nhằm đẩy mạnh thực hiện cung cấp nước sạch cho nông thôn.

Hội Cấp Thoát nước Việt Nam làm việc với Cục Thủy Lợi, Bộ NN&PTNT

Hội Cấp Thoát nước Việt Nam làm việc với Cục Thủy Lợi, Bộ NN&PTNT

Tham dự buổi làm việc, về phía Cục Thủy lợi có: ông Nguyễn Tùng Phong, Cục trưởng Cục Thủy lợi; lãnh đạo Phòng Quản lý Nước sạch Nông thôn (NSNT), Trung tâm Quốc gia Nước sạch & Vệ sinh Môi trường Nông thôn.

Về phía Hội Cấp Thoát nước Việt Nam có: ông Nguyễn Ngọc Điệp, Chủ tịch VWSA; các Phó Chủ tịch VWSA Hạ Thanh Hằng và Nguyễn Việt Anh; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc: Viện Nghiên cứu Cấp Thoát nước & Môi trường, Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam.

Cùng tham dự buổi làm việc còn có nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thủy lợi, cấp thoát nước và chuyên viên của hai đơn vị.

Hội Cấp Thoát nước Việt Nam làm việc với Cục Thủy lợi - Bộ NN&PTNT- Ảnh 1.

Hội Cấp Thoát nước Việt Nam làm việc với Cục Thủy lợi - Bộ NN&PTNT

Thay mặt Cục Thủy lợi, Cục trưởng Nguyễn Tùng Phong đã có báo cáo về hiện trạng và giải pháp cấp NSNT hiện nay.

Về hạ tầng cấp NSNT, toàn quốc hiện có khoảng hơn 18.000 công trình cấp nước tập trung cấp nước cho khoảng 32 triệu người (52% dân số); 48% dân số còn lại sử dụng nước từ công trình cấp nước quy mô hộ gia đình. Đến hết năm 2023, đã có 57% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn của Bộ Y tế.

Mô hình quản lý khai thác công trình cấp nước tập trung khá đa dạng, bao gồm: Đơn vị SNCL quản lý (chiếm 10%); doanh nghiệp, tư nhân quản lý (chiếm 16%); UBND xã, HTX, cộng đồng quản lý (chiếm 74%). Nguồn lực đầu tư cho cấp nước nông thôn chủ yếu là nguồn vốn NSNN trung ương và địa phương, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phát triển KT-XH đồng bào dân tộc; trong khi nguồn ODA còn hạn chế, nguồn NSNN cũng giảm.

Về tồn tại và thách thức thì có nhiều, nhưng theo ông Phong, có hai vấn đề lớn. Thứ nhất là tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) dẫn tới suy giảm về chất lượng, trữ lượng nguồn nước khai thác trong khi nhu cầu cấp nước ngày càng tăng, đòi hỏi phải có định hướng, kế hoạch tổng thể phát triển thích ứng với BĐKH. Thứ hai là, đây là ngành có tính chất phức tạp vì chịu sự chi phối, quản lý và liên quan đến nhiều ngành khác nhau như xây dựng, tài nguyên nước, môi trường, giao thông...Điều này đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành trong quản lý, chỉ đạo, điều hành.

Cục trưởng Nguyễn Tùng Phong đã nêu ra mục tiêu trong giai đoạn tới, đó là: đến năm 2030, 80% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày; đến năm 2045: phấn đấu 100%người dân nông thôn được sử dụng nước sạch và vệ sinh an toàn, bền vững.

Để đạt được mục tiêu trên, Cục Thủy lợi đã đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp thực hiện, trong đó về thể chế, chính sách thì trọng tâm là phối hợp với Bộ Xây dựng hoàn thiện dự thảo Luật Cấp, thoát nước. Đồng thời xây dựng chính sách hỗ trợ đầu tư, quản lý vận hành công trình sau đầu tư, chính sách hỗ trợ cấp nước quy mô hộ gia đình, hỗ trợ người dân được tiếp cận, sử dụng nước sạch với chi phí hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội; rà soát xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách xã hội hóa đầu tư cấp NSNT...

Cục trưởng cũng đề ra nhiều vấn đề về: đầu tư phát triển hạ tầng (cấp nước sạch tập trung, cấp nước quy mô hộ gia đình); Nâng cao hiệu quả quản lý khai thác; Ứng dụng KHCN; Truyền thông; Đầu tư và kêu gọi đầu tư; Hợp tác quốc tế...và các giải pháp thực hiện đi kèm.

Ông Nguyễn Tùng Phong cũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ NN&PTNT trong tháng 5/2024 phải xây dựng đề án giải quyết vấn đề NSNT cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Ông nhấn mạnh: hạn mặn vừa qua không chỉ ở ĐBSCL mà cả ở nhiều tỉnh, khu vực như Bình Dương, Tây Nguyên. Chúng ta cần nhận diện lại vấn đề NSNT là gì và ứng xử như thế nào với từng vùng miền. "Cần phải truyền thông mạnh vấn đề về NSNT tương tự như đã làm về hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL vừa qua", ông Phong nói.

Thay mặt Hội Cấp Thoát nước Việt Nam, Phó Chủ tịch Hạ Thanh Hằng đã giới thiệu tổng quan về VWSA. Với mạng lưới hơn 400 Hội viên tập thể là các doanh nghiệp CTN; tư vấn, thiết kế, xây dựng, sản xuất kinh doanh vật tư thiết bị; các cơ sở đào tạo, nghiên cứu liên quan đến ngành CTN; VWSA là tổ chức xã hội - nghề nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CTN và vệ sinh môi trường trên phạm vi cả nước thông qua các Chi hội và các đơn vị trực thuộc. Hội là đầu mối thông tin và là đối tác tin cậy của các doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước và các tổ chức quốc tế.

Những lĩnh vực hoạt động chính của VWSA bao gồm: Tư vấn phản biện chính sách, thể chế; Thúc đẩy và chuyển giao công nghệ; Đào tạo nâng cao năng lực và phát triển nguồn nhân lực; Hợp tác quốc tế; Truyền thông, chia sẻ thông tin, nâng cao nhận thức cộng đồng; Xây dựng cơ sở dữ liệu; Tổ chức các hội nghị, hội thảo, sự kiện lớn của Ngành CTN.

Hội Cấp Thoát nước Việt Nam làm việc với Cục Thủy lợi - Bộ NN&PTNT- Ảnh 2.

Đại diện Cục Thủy lợi báo cáo công tác nước sạch nông thôn hiện nay

Thay mặt VWSA, Phó Chủ tịch Hạ Thanh Hằng đã nêu ra một số đề xuất phối hợp với Cục Thủy lợi nhằm thúc đẩy cấp nước sinh hoạt nông thôn cũng như hoàn thiện Dự thảo Luật CTN... Phó Chủ tịch cho biết, trong dự thảo Luật CTN hiện hành có 8 Chương, 66 Điều nhưng nội dung quy định về cấp NSNT trong Dự thảo vẫn còn "mờ nhạt". Do vậy, đề nghị Cục Thủy lợi bổ sung thêm Điều quy định về NSNT; Thống nhất với Bộ Xây dựng quy định về NSNT cho phù hợp với thực tế, lưu ý đến vùng, đối tượng ưu tiên trong các Luật liên quan.

Đề xuất hợp tác cụ thể giữa hai đơn vị, VWSA đề nghị Cục Thủy lợi phối hợp: tư vấn phản biện chính sách liên quan đến cấp nước sinh hoạt nông thôn trong Luật CTN và các văn bản QPPL; Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đẩy mạnh chuyển đổi số trong cấp nước sinh hoạt nông thôn; Kết nối, hợp tác tìm kiếm nguồn đầu tư trong nước, quốc tế; Xây dựng hệ thống quan trắc, CSDL và cơ chế chia sẻ thông tin. 

Bà Hạ Thanh Hằng nhấn mạnh tới việc tăng cường hợp tác truyền thông trong nước và quốc tế hiệu quả; Cùng nhau phối hợp tham gia các sự kiện lớn như Tuần lễ ngành Nước Việt Nam (Vietnam Water Week) và Tuần lễ quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường Nông thôn được tổ chức hàng năm do hai bên chủ trì; Phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế về vật tư thiết bị ngành Nước; Cùng với đó là kết nối mạng lưới chuyên gia trẻ ngành Nước trong nước và quốc tế; Phát triển mạng lưới Hội viên từ các Trung tâm NSNT...

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Ngọc Điệp, Chủ tịch Hội Cấp Thoát nước Việt Nam đã cảm ơn và đánh giá cao tinh thần của buổi làm việc do Cục Thủy lợi tổ chức. Ông Nguyễn Ngọc Điệp cho biết, Việt Nam hiện có 40% dân số thành thị và 60% dân số ở nông thôn, do vậy vấn đề NSNT là rất quan trọng. Hiện nay, không chỉ những công ty cấp nước đô thị mà còn có những công ty cấp NSNT phát triển rất mạnh, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển nông thôn mới. Cụ thể hóa sự phối hợp giữa hai đơn vị, "tại sự kiện Tuần lễ ngành Nước do VWSA tổ chức vào tháng 11/2024 tới đây tại Hà Nội, sẽ có một hội thảo lớn với chủ đề về NSNT được tổ chức", ông Nguyễn Ngọc Điệp nhấn mạnh./.

Thi Nga