Sự kiện tiêu biểu của
ngành Nước Việt Nam

Việt Nam tìm cách nâng cao hiệu quả cấp nước nông thôn

Tiến Thành

Chính phủ cần lập quy hoạch cấp nước cho các vùng khó khăn và nâng cao năng lực quản lý cấp nước nông thôn, một lãnh đạo cơ quan quốc gia về nước sạch cho hay.

Một nghị định mới về cấp nước nông thôn dự kiến trình Chính phủ trong Quý 2 này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho các chính sách hiện có, giúp mở rộng hiệu quả mạng lưới cấp nước sạch ở vùng nông thôn, ông Nguyễn Sơn Tùng, Phó Giám đốc Trung tâm Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, cho biết.  

Chính sách khuyến khích đầu tư vào những dự án cấp nước sạch và tăng cường vệ sinh nông thôn Việt Nam đã và đang đưa ra trong những năm gần đây là để đảm bảo đạt các mục tiêu tổng thể trong “Chiến lược Quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Được Chính phủ phê duyệt tháng 11/2021, Chiến lược Quốc gia hướng tới 65% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn đến năm 2030, và nâng tỷ lệ này lên 100% sau đó 15 năm.

Để mở rộng tiếp cận cho người dân nông thôn tới nguồn nước sạch, năm 2018 Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp có dự án cung cấp nước sạch cho vùng nông thôn, hỗ trợ tiền tính theo mỗi đơn vị công suất xây mới hay cải tạo nhà máy nước, cùng với một phần chi phí đặt đường ống, theo Nghị định 57/2018/NĐ-CP.

Trước đó, Chính phủ đã có Nghị quyết số 73/NQ-CP năm 2016 phê duyệt chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020, giúp các công trình thoát nước, xử lý nước thải tập trung được cung cấp vốn đầu tư để thực hiện. Cũng vào thời điểm đó các công ty nước ngoài đã đẩy mạnh tài trợ xây dựng công trình cấp nước.

Tuy nhiên, sau 2020, nguồn vốn đầu tư có dấu hiệu trùng xuống, việc xây dựng và phát triển các công trình cấp nước không còn mạnh mẽ, ông Tùng thông tin. 

Việc đầu tư xây các công trình cấp nước song hành với trách nhiệm quản lý sau đầu tư. Tại các công trình nhỏ và vừa hay có ở nông thôn, quản lý sau đầu tư vô cùng khó khăn và công trình trở nên kém bền vững khi mô hình quản lý được lựa chọn không tốt, ông Tùng nói với Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam.

“Để giải quyết hai vấn đề trên, cần có sự tham gia của Chính phủ”, ông Tùng nói “Cần có những dự án có quy hoạch cho các vùng khan hiếm nước, vùng ngập mặn, bên cạnh thay đổi mô hình quản lý sau đầu tư, tính toán chi tiết cụ thể các chi phí, đủ thu bù chi và cải thiện chất lượng nhân sự vận hành”, ông Tùng đề xuất.

Vùng núi phía Bắc và Tây Nguyên, vùng trọng điểm trồng cà phê của Việt Nam, đang là nơi khó khăn nhất đối với nước sạch nông thôn, ông Tùng cho biết.

Việt Nam tìm cách nâng cao hiệu quả cấp nước nông thôn - Ảnh 1.

Bài toán kinh tế

Cấp nước sạch đô thị có đặc điểm là phục vụ cho sản lượng hóa, tư nhân hóa theo nhu cầu kinh doanh, dẫn tới có thể tính toán được lỗ lãi một cách dễ dàng.

Trong khi đó, cấp nước nông thôn có đặc thù, được chia làm 2 loại: Nơi nào đạt đủ yêu cầu xã hội hóa thì sẽ triển khai xã hội hóa, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); Còn đối với vùng khó khăn, việc đầu tư không mang tính xã hội hóa mà dưới dạng các công trình phúc lợi, dịch vụ công ích. Khi đó nảy sinh vấn đề có những công trình không giải quyết được bài toán kinh tế.

Dù Nhà nước đã có chính sách bù giá nước, nhưng do suất đầu tư cao để phục vụ lợi ích người dân, giá thành nước lên đến 30.000 đồng/m3, trong khi giá nước tại khu vực nông thôn được quy định trong khung từ 2.000-11.000 đồng/m3, khiến khoản chênh lệch phát sinh lớn và không phải tỉnh nào cũng có khả năng chi trả cho bù đắp này.

Khi công trình nhỏ xuất hiện hỏng hóc và không có kinh phí bảo dưỡng, bảo trì, kết quả là dự án dễ bị ‘đắp chiếu’, dẫn tới hiệu quả không cao. 

Tháng 8/2021, nhiều tờ báo trong nước dẫn một kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho hay, trong thời gian tới, Nhà nước chỉ hỗ trợ về cơ chế, chính sách, nguồn lực đối với vùng khó khăn và hướng dẫn thực hiện để tránh hiện tượng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước của một số nơi. 

Các địa phương sẽ phải sử dụng hài hòa nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình mục tiêu quốc gia, vay vốn tính dụng và vốn ưu đãi nước ngoài để đạt được các mục tiêu đề ra.

Vì vậy, các địa phương cần đẩy mạnh xã hội hóa thị trường cung cấp nước sạch cho nông thôn, nhằm thu hút thêm nhiều nguồn lực đầu tư, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước và nhanh chóng giúp người dân nông thôn tiếp cận với nguồn nước sạch.

Nghị định về cấp nước nông thôn

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện đã giao Tổng cục Thủy lợi phối hợp với Trung tâm Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, một đơn vị trực thuộc Tổng cục, xây dựng nghị định về cấp nước nông thôn, dự kiến tháng 6 trình Chính phủ.

Mục tiêu của nghị định này là “bổ sung các quy định còn thiếu phục vụ công tác quản lý nhà nước về nước sạch nông thôn nhằm tăng cường công tác quản lý, khai thác và bảo vệ công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân một cách bền vững”, Báo Điện tử Chính phủ đưa tin hồi tháng 5/2020.

Ông Tùng chỉ ra, theo dự thảo nghị định, các địa phương sẽ phê duyệt giá nước theo điều kiện địa phương, dựa trên từng công trình chứ không theo mẫu chung. 

Ví dụ, dựa vào tổng hợp các chỉ số như lượng tài nguyên tiêu thụ để sản xuất nước sạch, sản lượng bán ra và thất thoát của công trình, UBND cấp tỉnh sẽ chịu trách nhiệm bù giá, giữa giá bán nước và giá thành sản xuất nước sạch. 

Bên cạnh đó, trung tâm nước của các tỉnh có tiềm lực tốt cũng cần tập trung tới vấn đề tự quản lý bù chéo linh hoạt, nghĩa là thu từ những công trình hiệu quả để bù cho tổn thất của những công trình không hiệu quả, thay vì chuyển về ngân sách nhà nước và Chính phủ lại sử dụng nó để giải quyết những công trình không hiệu quả.

Nghị định sẽ bổ sung yếu tố cấp nước an toàn, hiện chỉ tập trung vào cấp nước tập trung, trong khi hiện toàn quốc còn 50% cấp nước nhỏ lẻ (các hộ gia đình tự khai thác).

Việt Nam tìm cách nâng cao hiệu quả cấp nước nông thôn - Ảnh 2.

Sở hữu và vận hành công trình

Đối với một số công trình không hiệu quả, có một cách khắc phục tốt nhất là bàn giao nó cho công ty nước sạch ở địa phương đó, công ty đó sẽ dùng tài chính của mình để thực hiện đấu nối vào hệ thống hạ tầng có sẵn, ông Tùng nói. 

Tuy nhiên thông thường, ở các khu vực vùng ven sẽ không đầu tư xây dựng công trình mới mà sẽ tận dụng công trình lân cận, trong khi đó Nghị định 43 làm hạn chế khả năng bàn giao cho các doanh nghiệp tư nhân. 

Có hai phương án có thể áp dụng khi đấu nối vào hệ thống hạ tầng có sẵn: Một là phải mua lại toàn bộ hạ tầng của nơi đó; Hai là có thể kéo sang nhưng tất cả các thống kê số liệu chỉ được xác định thông qua đồng hồ tổng của đơn vị vận hành cũ. 

Bên cạnh đó, năng lực quản lý vận hành dự án ở cấp xã thường thiếu, ông Tùng nói. 

“Thực tế cho thấy nhiều nơi giao công trình cho xã, trong khi năng lực quản lý của xã không có. Có xã phải thành lập tổ không chuyên, kiêm nhiệm vận hành, từ đó dẫn đến kết quả không tốt”, ông Tùng nói.

Việc xã để cho doanh nghiệp tư nhân đấu thầu cũng sẽ gặp khó khăn bởi nhiều yếu tố như đối chiếu giữa tiềm năng của công trình và tài chính bỏ ra cùng với thủ tục phức tạp, ông Tùng chia sẻ thêm.

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề khó giải quyết nhất và ảnh hưởng không nhỏ đến cấp nước nông thôn. Hạn hán, lũ lụt triền miên và khó lường trong một vài năm gần đây khiến việc khai thác nguồn nước cho người dân ở khu vực chịu ảnh hưởng gặp nhiều khó khăn. 

Ở phía Nam, xâm nhập mặn ngày một gia tăng ở Đồng bằng sông Cửu Long, gây nhiễm mặn các giếng và do đó hạn chế việc khai thác nước ngầm. 

Trong các ngày từ 29/4 đến 6/5/2023, Việt Nam khởi động Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường năm 2023, với nhiều hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về cấp nước an toàn, tiếp cận nước sạch và bảo vệ môi trường.